Cách nhận biết: MỘT CĂN NHÀ ĐƯỢC THIẾT KẾ TỐT - Phần 1

  • Post by admin
  • Oct 12, 2020
post-thumb

Làm thế nào để review một mặt bằng thiết kế?

Sao có thể biết được những review của người này là đúng đắn, còn người kia không đúng lắm?

Làm sao biết đề nghị điều chỉnh này hợp lý, còn thay đổi kia bất hợp lý?

Rất nhiều câu hỏi và hoài nghi cần được đặt ra khi bạn nhờ một ai đó review một thiết kế. Bởi lẽ, những người có chuyên môn, chưa hẳn luôn luôn đúng, đặc biệt là đối với những vấn đề, nhu cầu dành cho riêng bạn. Tuy nhiên, trong một mớ hỗn độn các ý kiến, vẫn có cách để bạn có thể gạn đục khơi trong, và tìm thấy những điều xác đáng, phù hợp với chính mình.

Trong gần 20 năm làm thiết kế và cả quản lý dự án, trải qua rất nhiều công trình, gặp rất nhiều chủ đầu tư, đối với các công trình dân dụng, mình thấy rằng vai trò của người tư vấn thiết kế thực ra khá đơn giản, chỉ là người chuyển tải mong muốn của chủ nhà thành bản vẽ thiết kế, và đảm bảo rằng, bản vẽ đó là sản phẩm phục vụ cho người sử dụng (tiếp đến là nhà xây dựng, và cuối cùng mới là cái tôi của nhà thiết kế)

Từ chính xác ở đây, để đánh giá một thiết kế kiến trúc, không phải là ĐẸP hay XẤU, ĐÚNG hay SAI, mà là PHÙ HỢP. Không có một mẫu thiết kế nào là hoàn mỹ, không có một style thiết kế nào là tuyệt đỉnh, và thật khó khăn để dung hòa giữa sang trọng và kinh tế, rộng rãi và chặt chẽ, riêng tư và phóng khoáng. Bạn đừng mong chờ một thiết kế với một chút Á cổ truyền, trộn một chút Âu cổ điển, pha tí trường phái Địa Trung Hải, lai với tý Tropical, pro như phong cách Mỹ. Một kiến trúc sư thực thụ, sẽ tìm thấy được phong cách kiến trúc từ NHU CẦU của bạn, chứ không phải là các style kiến trúc hào nhoáng trên tạp chí.

Xin thành thật lưu ý rằng, những điều mình chia sẻ ở đây, chỉ là những tóm lược mang tính chủ quan trong quá trình hành nghề, chứ chẳng phải từ sách vở, hay kiến thức hàn lâm học rộng hiểu nhiều, nên nếu thiếu chiều sâu học thuật, mong mọi người bỏ quá cho.

Theo thiển ý chủ quan của mình, vẫn có một số nguyên lý, để đánh giá bản thiết kế có TỐT hay chưa TỐT.

Hãy trải bản vẽ thiết kế mặt bằng ra, sau khi đã hiểu được các ghi chú và ký hiệu, bạn hãy hình dung hoạt động của mình trong căn nhà đó. Hoạt động, chính là cách bạn tương tác với căn nhà. Căn nhà chỉ là cái khung cho mọi hoạt động hàng ngày của bạn, do vậy, chính cách bạn hoạt động, sinh hoạt, sẽ quyết định chức năng, cấu trúc và form dạng của căn nhà.

Với nguyên lý cơ bản và tối thượng đó, bạn phải hiểu rõ những sinh hoạt trong nhà, thậm chí của từng thành viên trong nhà. Đó là lý do, tại sao khi nhận lời tư vấn thiết kế, mình thường yêu cầu mọi người trong nhà tham gia nhiều nhất có thể. Bởi lẽ, mỗi thành viên trong gia đình sẽ có không gian sinh hoạt chuyên biệt.

Khi đã hiểu rõ dây chuyền hoạt động của thành viên trong gia đình, bạn có thể đánh giá thiết kế đó dựa trên một số yếu tố được liệt kê lần lượt sau đây.

Một thiết kế TỐT, chắc chắn phải thỏa được những yếu tố sau:

1. Giao thông đơn giản, khúc chiết và tối ưu:

Giao thông thể hiện trong nhà qua những hành lang, khoảng đệm, bất kỳ chỗ nào bạn phải đặt chân vào để sử dụng tiện nghi trong nhà. Giao thông, nói không ngoa, chính là mạch máu của căn nhà, là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá hiệu quả sử dụng không gian của bản vẽ thiết kế.

Vì sao? Bởi lẽ, giao thông là không gian chỉ dành cho việc đi lại mà KHÔNG dành cho những chức năng khác (không tính việc trang trí, décor), bạn không thể đặt một cái bàn giữa lối đi, hay đặt cái ghế lên cầu thang, không gian giao thông, bản chất cần trống rỗng và thông suốt.

Do vậy, giao thông phải vừa thuận tiện, nhưng đồng thời phải vừa đơn giản và tiết kiệm diện tích. Một hành lang, kết nối được 2 không gian (phòng), chắc chắn không đủ tốt bằng một hành lang với cùng diện tích kết nối được 3-4 không gian (phòng).

Giao thông, ngoài ý nghĩa kết nối mọi không gian trong nhà, nếu xét về Phong Thủy, cũng gần như là luồng lưu chuyển của Khí. Chuyển động là Khí, dịch chuyển là Khí, trường nhìn của mắt cũng là Khí. Do vậy, nếu thiết kế giao thông tốt, cũng đồng nghĩa mang lại một môi trường sống tốt.

Một thiết kế tốt, phải tổ chức được giao thông tối ưu về diện tích, rõ ràng và mạch lạc, có lưu tâm đến cách tiếp cận, thói quen sinh hoạt của gia chủ.

Một yếu tố quan trọng nữa của giao thông, là có tính định hướng.

Ví dụ, một người khách đến chơi nhà, khi bước vào sảnh nhà, phải tiếp cận được không gian phòng khách, không gian sinh hoạt chung càng nhanh càng tốt. Thiếu tính mạch lạc trong việc nối kết giao thông, cửa nẻo tứ tung, quá nhiều ngóc ngách, sẽ khiến căn nhà trở thành ma trận, rối rắm và phức tạp. Không cần phải là thầy Phong Thủy, bạn cũng sẽ thấy rõ vận mạng của gia chủ cũng sẽ xoay mòng mòng như một mớ bòng bong.

Do vậy, khi nhìn vào bản vẽ thiết kế, và hình dung cách mọi người đi lại, sinh hoạt, vận động, tiếp cận các không gian, bạn sẽ biết được rằng, thiết kế đó có “mượt mà”, “trôi chảy” và “thuận tiện” hay không. Khi đó, quy mô của căn nhà sẽ là tối ưu nhất, còn nếu giao thông quá rườm rà, chiếm quá nhiều diện tích, thì đó sẽ là một bản thiết kế lãng phí.

2. Phân chia không gian hợp lý dựa trên tính chất của chức năng

Không gian sinh hoạt cũng có thuộc tính riêng, đó là phân tách giữa tĩnh và động, chung và riêng, đóng và mở.

Không gian tĩnh, thường có tính riêng, và khép kín. Ví dụ, phòng ngủ, toilet, phòng thờ.

Không gian động, thường có tính chung, và hướng đến việc mở thoáng ra ngoài, như khu vực phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt chung.

Một thiết kế TỐT thường phải phân tách được các phân khu chức năng này, và liên kết với nhau bằng không gian đệm (ví dụ sảnh, hành lang đệm…)

Phòng ngủ, mở thẳng cửa ra phòng khách, là điều nên tránh. Đây không phải là sự kiêng kị bởi mê tín. Bởi lẽ, nếu bố trí như vậy, từ không gian chung có thể nhìn thẳng vào không gian riêng, khiến cho người sử dụng ở chiều nào cũng sẽ cảm thấy bất tiện, không tự nhiên và không thoải mái. (Trừ phi bạn có nhiều thứ để khoe và muốn khoe)

Hay bố trí bàn ăn nhìn thẳng vào toilet chắc hẳn không thể làm bữa ăn thêm ngon.

Để liên kết những không gian không cùng tính chất, nhất thiết phải có những khoảng đệm. Ví dụ, đối với nhà chỉ có tầng trệt, bạn thường sẽ thấy những phòng ngủ nối kết với nhau bằng một hành lang dài, tiếp cận với không gian chung bởi một lối vào. Toilet chung cũng phải nằm gần với lối tiếp cận đó, để khách có thể sử dụng mà không phải “sục sạo” nhầm phòng ngủ. Không gian đệm đó có thể là hành lang, sảnh, hoặc một không gian trung tính như phòng giặt, family room chẳng hạn.

Không gian phòng khách, phòng ăn phải nên liên kết trực tiếp với nhau, khi cần thiết, có thể trở nối kết thành một, và có thể tiếp cận ra phía sân vườn. Sự sang trọng của không gian không đơn giản nằm ở việc sử dụng đồ trang trí đắt tiền, đồ nội thất sang chảnh, hay vật liệu “ngầu lòi”, mà cần một khung không gian hợp lý.

Một thiết kế TỐT phân định được không gian chung và riêng, tĩnh và động, đóng và mở. Vậy nên, khi nhìn vào bố trí mặt bằng, có thể phân thành 2 phân vùng riêng biệt với các không gian đệm nối kết.

Nguồn: Đào Tăng Lực.