Cách nhận biết: MỘT CĂN NHÀ ĐƯỢC THIẾT KẾ TỐT- Phần 2.

  • Post by admin
  • Oct 25, 2020
post-thumb

Trong Phần 1, mình đã trao đổi cách đánh giá, review thiết kế thông qua việc tổ chức giao thông và phân chia không gian chức năng. Trong phần này, mình sẽ chia sẻ thêm về các nguyên tắc có tính định lượng hơn đối với bản vẽ kiến trúc, đó là về kích thước. Các nội dung cũng mang tính khái quát để mọi người có cái nhìn tổng quan.

Kích thước hợp lý

Kích thước, trước tiên là những con số. Thiết kế kiến trúc, dù yếu tố thẩm mỹ rất quan trọng, nhưng cơ bản, vẫn là một ngành kỹ thuật. Kỹ thuật, dựa trên sự cụ thể, rõ ràng, tiêu chuẩn và số liệu. Nói nôm na, kiến trúc sư nói gì thì cũng nên/phải có số, nếu nói mà không có số thì có lẽ đã thành pháp sư rồi.

Kiến trúc, nhất là kiến trúc dân dụng, mục đích cơ bản nhất là phục vụ con người, do vậy, con số trong kiến trúc phải dựa trên kích thước của con người. Trong kiến trúc, kích thước thường được sử dụng với bội số của 3, ví dụ 300(mm), 600, 900, 1200… Vì sao là bội số của 3? Chắc có lẽ, về mặt toán học, bội của số nguyên tố 3 vừa đơn giản, nhưng lại có cá tính hơn bội của 2 hoặc của 5, lại không quá phức tạp nếu so với bội của 7.

Mà thôi, bỏ qua vụ toán học đại cương, nhớ nhiều quá sẽ rối loạn tiền đình. Các bạn chỉ cần nhớ một vài nguyên lý về kích thước như sau:

“Một người 600, nửa người 300”.

Nghe giống bán hàng lạc xoong ngoài chợ trời quá. Nhưng thực sự, đây là một yếu quyết kinh điển trong kích thước kiến trúc khi thiết kế, vì nó liên quan trực tiếp đến kích thước của việc đi lại.

Nếu nhìn theo mặt bằng, (tức ở trển nhìn xuống), một không gian dành cho 1 người có kích thước là 600 bề rộng, 300 bề sâu. Nghĩa là, nếu người đó đi thẳng, họ sẽ cần khoảng không gian rộng 600mm. Còn nếu, họ hổng thích đi thẳng, mà xoay người lại đi ngang như cua, thì họ cần 300mm.

Đó là lý do tại sao, cầu thang tiêu chuẩn trong nhà thường rộng 900. Để lỡ đâu, có một chàng trai và một cô gái lên xuống thang cùng lúc, thì một người vẫn có thể điềm nhiên đi thẳng (600), người còn lại phải xoay mình (300) để có thể “lướt qua nhau”.

Từ kích thước tiêu chuẩn này, bạn sẽ thấy hành lang thường tối thiểu 1m. Thoải mái hơn là 1.1m hoặc 1.2m. Nhưng cơ bản là từ con số 0.9m.

Đó là lý do, phòng ngủ tiêu chuẩn rộng 3m x 3m (không tính tủ âm). Tức là nếu bỏ 1 cái giường vào, thường giường có chiều dài 2-2.1m, phần còn lại, 900-1000, để chúng ta có thể lướt qua nhau. Giường double/queen size, bề rộng thường là 1.6m, và khi đặt ở giữa phòng, mỗi bên sẽ còn lại 600, vừa đủ để “mỗi người một con đường riêng”.

*Vậy tại sao toilet, phải rộng tối thiểu 900, vô đó lẽ nào đi có đôi có cặp? *Thiệt ra thì không cấm chuyện đi toilet đông người, nhưng đó không phải là lý do toilet phải rộng tối thiểu 900 chứ không phải 600. Bởi lẽ, vào toilet, không lẽ lúc nào cũng đứng, mà khi ngồi thì cái tướng nó khác, nên kích thước nó cũng khác.

Kích thước của người dùng, ngoài việc đi lại, còn có những hoạt động khác, như ngồi, nằm. Do vậy, mọi kích thước trong từng không gian phải được lưu ý để bố trí cho phù hợp. (Xem hình)

*Vậy tại sao lối đi giữa 2 bệ bếp/bench top lại là 1100? *

Chẳng qua là trong bếp, đứa đi ngang ngoài việc né đứa đi thẳng, còn phải né luôn cái nồi lẩu mà đứa kia đang khệ nệ cầm trên tay. Nói nôm na lại là ngoài việc né người, còn phải né luôn dao thớt xoong chảo mà đứa kia đang cầm. Hơn nữa, thường trong bếp, vào những lúc cao điểm tiệc tùng này nọ, cũng có khá nhiều nhân sự tham gia, nên càng rộng rãi, càng đỡ va vào nhau. Rồi ở trong bếp, ngoài việc đi lại, còn phải ngồi xuống để mở các hộc tủ phía bên dưới, nên kích thước phải đủ để có thể hoạt động. (xem hình)

Tuy nhiên, không phải càng rộng thì càng tốt. Ngoài kích thước cơ bản (hay còn gọi là structural dimensions), còn có kích thước thao tác, hay còn gọi là functional dimensions (xem hình).

Ví dụ: kích thước hành lang bếp, ngoài việc đi lại, còn phải đảm bảo người làm bếp xoay trở từ bệ bếp bên này sang bàn đảo bên kia. Nếu kích thước quá rộng, sẽ khiến người làm bếp phải rướn người, hoặc bước thêm một bước chân nữa. Dù chỉ 200-300mm, nhưng hoạt động mỗi ngày sẽ có tác động không nhỏ đến sức khỏe của con người. Ở phương Tây, còn có các chuyên ngành nghiên cứu về những con số này, là Anthropometry/ ErgonomicNhân trắc học. Còn phương Đông thì có Lỗ Ban, mà Lỗ Ban thì huyền bí hơn, nên để nói riêng ở chỗ nào bí mật một chút.

Bởi vậy, khi bạn review một bản vẽ thiết kế, bạn đừng có ép kiến trúc sư/ designer bóp chỗ này, đắp chỗ kia. Không phải bạn là chủ nhà, nghĩa là bạn có quyền yêu cầu kiến trúc sư: “Anh ơi, bóp em chỗ này, anh ơi bóp em chỗ kia”. Bóp bậy không chỉ bất hợp lý mà đôi khi còn bất hợp pháp nữa đấy. Đành rằng là của bạn, nhưng bạn muốn “bóp” thì bạn phải theo lời khuyên của chuyên gia.

Mình từng gặp chủ nhà, bảo bóp cho anh cái garage đi, chi mà 3.5m vậy, anh chỉ cần 2.5m thôi. Mình hỏi, ủa, anh chơi xe mui trần à, ra khỏi xe không cần mở cửa sao? Anh chơi vậy, ai chơi lại? Yêu cầu tối thiểu của garage phải rộng 3.5m x 6.0m. Cho dù anh chạy chiếc Toyota Yaris hay chiếc iQ, thì chiều rộng 2.5m nghe có vẻ hợp lý, nhưng không có hợp pháp.

Có những kích thước dựa trên các nghiên cứu và nguyên lý, đã được quy định sẵn trong standard, bạn cứ vậy mà phải tuân theo. Đương nhiên, tùy thuộc vào mỗi trạng thái sức khỏe, thậm chí kích thước và cân nặng của chủ nhà mà sẽ có gia giảm phù hợp. Nhưng về cơ bản, kích thước chuẩn cũng sẽ được ưu tiên. Vậy nên, để phù hợp với nhà tiêu chuẩn, bạn phải chăm tập thể dục, thể thao. Bạn mà fit thì nhà cũng sẽ fit.

Kích thước, đóng vai trò quan trọng trong việc bố trí không gian, nhưng còn có một yếu tố quan trọng hơn kích thước nữa, đó là chiều kích. Không phải không gian nào với kích thước đó cũng thành hợp lý, vậy chiều kích là gì?Trong phần sau, mình sẽ phân tích kỹ hơn về yếu tố kích thước - chiều kích trong nhà ở để bạn có thêm những cách tiếp cận mới và hiểu rõ hơn một thiết kế tốt là như thế nào. Hy vọng hữu ích cho những ai đang cần.

Nguồn: Đào Tăng Lực.