Phần 1: Chuẩn bị trước khi đến Úc.
1. Làm gì khi quả Bomb “Grant” nổ xuống đầu bạn:
- Sau những ngày chờ đợi mòn mỏi thì quả Bomb “Grant” cũng nổ xuống đầu, xuống gia đình bạn. Xin chúc mừng gia đình bạn!
- Việc đầu tiên bạn nên vỗ bàn ngay và nộp đơn xin nghỉ càng sớm càng tốt để nhanh chóng chốt sổ BHXH, hốt hết những đồng cuối cùng để làm vốn lên đường sang Úc.
- Nếu khi đi làm bạn có đóng BHTN thì sau khi lấy được sổ BHXH thì bạn nên đi nên đi làm thủ tục hưởng BHTN trước. (Lưu ý: Nếu bạn đi định cư thì không được hưởng BHTN, do vậy lúc này chỉ khai thất nghiệp)
- Sau khi đã nghỉ, có thời gian thu xếp lên đường, bạn nên tranh thủ đi học 1 vài khóa lận lưng trong trường hợp qua Úc không quay lại được nghề cũ thì cũng kiếm được kế sinh nhai trong thời gian chờ thời. Các khóa học mà bạn có thể xem xét: Barista, Nail, Làm Bánh, Nấu ăn, cắt tóc, make-up, điêu khắc chân mày, massage… Bạn cảm thấy mình có khả năng làm gì nhất thì đi học 1 khóa cho chắc.
- Sau thời gian hưởng BHTN, nếu bạn có PR thì bạn có thể đi dịch công chứng Visa để làm thủ tục lãnh BHXH 1 lần (Mình đi dịch bên Việt Úc Châu ở 20 Trần Cao Vân, chỉ dịch 2 tờ chính thôi nha). Còn nếu bạn chỉ có working visa thì bạn phải đợi 1 năm sau khi dừng đóng BHXH thì mới lấy được BHXH 1 lần. Thời gian nhận được BHXH 1 lần rất nhanh nếu mọi việc thuận lợi thì chỉ cần 20 ngày thì tiền sẽ được chuyển thẳng vào TK của bạn.
- Nếu bạn không thể chờ để làm thủ tục BHXH 1 lần thì có thể ủy quyền nhờ người khác lấy dùm. Nhớ chú ý cầm sổ BHXH ra phòng công chứng làm hẳn Hợp đồng ủy quyền, vì mình chỉ làm Giấy ủy quyền cho bạn mình, lúc ra BHXH Quận 2, họ không chịu, bạn mình phải năn nỉ lắm, họ mới cho qua. Bạn cứ nên làm hẳn HĐ ủy quyền để tránh rắc rối, lúc đó ở Úc biết xoay sở như thế nào. Nên tranh thủ lấy sớm vì nghe đồn sắp tới chỉ cho lấy phần người lao động đóng còn phần doanh nghiệp đóng bị giữ lại, coi bộ quỹ muốn sập rồi.
2. Giấy tờ:
- Giấy tiêm chủng chích ngừa cho Con: Giấy này rất quan trọng, nếu không có giấy chứng nhận này sẽ khó nhập học ở Úc. Trước khi gia đình mình đi, thì mình có đem con mình chích ngừa hết vì có nhiều mũi bên Úc chích rất mắc mà con mình còn quay về VN nên bắt buộc phải chích, trẻ em chỉ ở Úc thì không cần, rồi đem sổ ra Trung Tâm Kiểm Dịch Y Tế Quốc Tế trên Nguyễn Văn Trỗi để sao sổ, họ sẽ xác nhận tất cả mũi mà Con mình đã chích bằng Tiếng Anh rất rõ ràng.
- Đem các giấy tờ quan trọng như Passport, CMND, Visa, Giấy Kết hôn, Giấy Khai Sinh, Hộ Khẩu, Visa … (Giấy tờ nào tiếng việt thì phải đem đi dịch công chứng) scan hết rồi bỏ vào 1 tài khoản Google Drive của cá nhân. Sau này khi nào cần giấy tờ bên Úc mà quên mang theo bản gốc có thể mở file cho bọn Úc xem, rất tiện.
3. Những vật dụng cần mang theo:
- Nồi cơm điện: vì chúng ta tới 1 nơi mà không có văn hóa ăn cơm nên nồi cơm điện rẻ thì nấu cơm dở, còn nồi nào nấu cơm ngon thì rất mắc. Nhà mình mua mới 1 cái nồi cơm điện loại cơ chứ không phải điện tử của Cuckoo. Lý do chọn loại cơ vì sợ mang loại điện tử quăng tới quăng lui trên máy bay qua tới Úc, nó mát luôn, bên đây mà kêu đi sửa thì thôi, bỏ đi mua cái mới còn rẻ hơn.
- Chấu chuyển điện từ 2 chấu sang 3 chấu: Vì chúng ta sẽ mang 1 số thiết bị điện thiết yếu sang Úc như điện thoại, máy tính, nồi cơm điện .. qua Úc, nên cần chấu chuyển điện này. Nếu không thì không dùng được. Mua bên Úc cũng có nhưng tương đối mắc, mà mới qua có thể lớ ngớ không biết mua ở đâu nên cứ mua mang đi cho đảm bảo. Ở SG, bạn có thể mua ở tiệm điện đối diện Bênh viện Nguyễn Trãi, Q5.
- Nếu bạn là 1 người mê đồ ăn Việt như nhà mình thì nên mang theo 1 ít đồ khô như tôm khô, cá khô, mực khô, hủ tiếu khô, miến dong, bánh đa nem, gia vị nấu phở, bò kho, bún bò, bún mắm… vì bên đây đồ cũng có mà hơi mắc và không ngon như Việt Nam. Tuyệt đối không được mang cái gì dính líu tới thịt heo, gà, vịt, yến sào… Mọi thứ nên được dán nhãn rõ ràng, hút chân không sạch sẽ. Khi đóng hành lý thì đóng riêng 1 kiện đồ ăn riêng và để riêng hành lý cho 1 người trong gia đình thôi. Khi nhập cảnh vào Úc thì để người đó khai mang đồ ăn để hải quan có kiểm tra thì chỉ hành lý 1 người bị mở tung, chứ nó mở tung hành lý của cả gia đình thì mệt luôn.
- Nếu bạn là người yêu sách và muốn giữ tiếng Việt cho con mình thì nên xem xét mang theo 1 ít sách tiếng Việt. Mình mang theo khoảng 3 thùng sách truyện cho con.
- Còn nếu bạn có vật dụng nào quý giá, giá trị cao mà gọn, nhẹ thì hãy mang chứ còn đừng mang bất cứ gì sang Úc vì bên Úc cái gì cũng có muốn rẻ cũng có , muốn mua đồ xịn cũng có.
- TÓM LẠI cần thiết nhất vẫn là tiền. Cứ mang tiền theo là khỏe nhất.
4. TIỀN:
- Nếu gia đình bạn không có nhiều nhu cầu cần thiết như: qua Úc phải mua cái xe thiệt xịn, chạy cho oách, phải kiếm 1 công việc đúng ngành, phải mua 1 căn nhà ngay để an cư hoặc có nhiều tiền quá để ở Việt Nam cảm thấy không an toàn thì mình nghĩ không cần quá lo lắng, không cần phải mang nhiều tiền quá, tầm 20-25k thì có thể đủ để ổn định cuộc sống bên đây.
- Cách thức chuyển tiền: Khi ở Việt Nam, bạn có thể tạo 1 tài khoản online của Commonwealth Bank để chuyển khoản tiền sang cho an toàn. LƯU Ý : khi mở tk online thì yêu cầu tạo luôn 1 thẻ debit để khi qua tới Úc có thể tới active tài khoản và có thẻ xài luôn không cần chờ. Vì bên Úc hay yêu cầu 2 thẻ để xác nhận ID của mình thì có thẻ NH luôn rất tiện cho giao dịch ở Úc.
- Khi đã có số tk tại Úc rồi bạn có thể ra NH để ck sẵn tiền vào TK. Tốt nhất bạn nên chọn các ngân hàng thương mại như Sacombank thì sẽ linh hoạt hơn. Cho dù bạn có PR tức là đi định cư thì số tiền mỗi người chuyển đi chỉ có 5k USD trừ khi bạn bán nhà có thể chứng minh nguồn tiền mình có, nếu không bạn thường yêu cầu phải gửi tiết kiệm ở đó trước 1-3 tháng để chứng minh nguồn tiền. Nói chung việc này tùy việc thương lượng của bạn với NH. Mình không có nhiều tiền nên không vất vả lắm.
- Ngoài ra trước 3 ngày bay, bạn có thể cầm vé máy bay ra NH mua 1 ít tiền mặt mang theo phòng ngừa trường hợp việc chuyển khoản tiền gặp rắc rối gì. Nhớ là AUD hơi hiếm muốn mua thì phải ra NH dặn trước mới có, nhiều NH không trữ sẵn AUD.
- Hiện nay AUD đang giảm 1 cách thần kỳ, đây là cơ hội mà bạn nên xem xét để chuyển tiền qua Úc để mua nhà, mua xe. Nhưng nếu chuyển tiền sang mua nhà nên chuyển tiền theo đường chính ngạch vì nếu bạn deposit 1 số tiền lớn vào TK ở Úc có thể bị NH hỏi, giải trình cũng phiền. Nếu bạn đã có PR, bán căn nhà đầu tiên hoặc khoản tiền đó bạn được thừa kế hợp pháp từ cha mẹ thì không sao, nếu khoản tiền đó từ bán căn nhà thứ 2 hoặc khoản đầu tư khác, trước khi chuyển tốt nhất nên kiếm người có kiến thức luật, thuế để tư vấn để tránh trường hợp bị chặt thuế khóc không kịp.
5. Đóng gói , chuẩn bị lên đường:
- Để đóng gói hiệu quả, bạn có thể ra chợ mua những túi dạng như mấy bà buôn quần áo hay đóng hàng hoặc đồ đạc nào cần được đóng cẩn thận thì ở SG chạy ra góc Nguyễn Du và Hai Bà Trưng mua loại thùng 5 lớp có đai để xách rất tiện. Mình mua 10 thùng, giá khoảng 350k, nhớ trả giá. Về nhớ đóng cẩn thận vì lên máy bay hàng hóa vị quăng rất dữ dội, mình đóng kỹ mà tới Melbourne bị bể hết 3 thùng.
- Trước khi đi nhớ đi đóng hết các tài khoản NH, thẻ tín dụng, thẻ ATM, rút sạch sẽ tiền, nếu cần chỉ để lại 1 TK để giao dịch, mình có giữ lại 1 TK Vietcombank, đem ra NH 1 cái điện thoại để đăng ký, cài đặt SmartOTP, phòng trường hợp cần giao dịch tiền khi ở Úc.
- Trước khi đi mình cũng cài đặt, chuyển Sim điện thoại sang chế độ Roaming luôn, vì muốn giữ lại Sim điện thoại này. Mọi người lưu ý Sim điện thoại này rất quan trọng, ví dụ khi bạn đăng nhập gmail ở bên úc trên thiết bị mới, dù bạn có log in đúng password nhưng nó cũng yêu cầu nhập security code gửi tới điện thoại của bạn, lúc đó nếu bạn quăng sim ở VN là hơi phiền, hoặc khi bạn mở TK tại Commonwealth bank do lúc đó chưa có số điện thoại Úc dùng số điện thoại VN, lúc active hoặc đổi sang số điện thoại Úc, nó sẽ gửi mã xác nhận về số điện thoại cũ. Túm lại, cứ giữ lại và chuyển sang chế độ roaming KHI CÒN Ở VIỆT NAM nha, chứ qua tới Úc là thua. Mình vẫn giữ sim VN 6 tháng nay, chỉ nhận tin nhắn (không tốn tiền), không nhận điện thoại, không gọi điện thoại, không dùng 3G cũng không tốn tiền gì nhiều, lâu lâu thấy nó trừ vài chục ngàn, không đáng kể.
Nguồn: Ha Pham.