Làm thế nào để “trả giá” hiệu quả khi đi mua nhà?

  • Post by admin
  • Oct 03, 2020
post-thumb

Trong thời điểm hiện tại khi việc đấu giá nhà trực tiếp trở nên khó khăn, hầu như việc mua bán bất động sản đều diễn ra dưới hình thức thương lượng cá nhân. Một phần quan trọng của quy trình này là việc “trả giá” (offer), chính vì vậy, bạn cần hiểu cách thức làm sao để đưa ra một offer hấp dẫn và có thể giúp bạn đạt được kết quả tốt. Khi trả giá, bạn cần phải hiểu người bán của mình cần gì, và hiểu những đề nghị của mình tác động như thế nào với người bán. Hôm nay, Trusted Finance sẽ thảo luận 6 điểm bạn cần xem xét trước khi đưa ra offer:

1. Tìm hiểu giá trị của bất động sản (BĐS) bạn đang muốn mua

Khi một đại lý (agent) niêm yết một BĐS để bán ở một mức giá nhất định, thông thường họ sẽ dùng dữ liệu giá những nhà đã bán trong khu vực để có được bức tranh tốt hơn về giá trị của BĐS đó. Sau đó, họ sẽ xem xét các BĐS có quy mô, số năm tuổi, hình thù/ dạng địa hình và nhu cầu của tương tự với BĐS đó trên thị trường hiện tại. Vậy nên, bước đầu tiên để đưa ra một offer tốt là bạn phải hiểu thị trường, và hiểu agent bán nhà. Bạn cần theo dõi số nhà bán gần đây và xem các BĐS đang bán nhanh như thế nào, và ở mức giá nào. Song song bước này, bạn có thể yêu cầu Trusted Finance cung cấp báo cáo định giá (valuation report) miễn phí từ ngân hàng hay các tổ chức tài chính về BĐS mà bạn muốn mua.

Bạn cũng có thể chủ động tham khảo các trang định giá nhà như realestate.com.au; hoặc onthehouse.com.au; vv. Khi có định giá trong tay, bạn sẽ tự tin hơn khi đưa ra offer, vì con số của bạn dựa trên đánh giá từ các tổ chức uy tín và có căn cứ.

2. Lý do chủ nhà bán BĐS

Sau khi kiểm tra những gì đang bán trong vùng lân cận cũng như tìm hiểu được BĐS bạn sắp mua được định giá thế nào, bạn cần tìm hiểu lý do tại sao người bán đang bán căn nhà của họ. Những thông tin này thường sẽ không được tiết lộ với những khách hàng tiềm năng, tuy nhiên, Agent có thể chia sẻ với những khách hàng thân thiết của họ. Đây cũng chính là lý do vì sao Trusted Finance khuyên bạn nên tạo một mối quan hệ tốt với agent trong bài viết trước. Tất nhiên, nếu lý do đằng sau là lý do cá nhân, người bán thường có xu hướng chấp nhận mức giá thấp hơn thị trường để có thể bán càng nhanh càng tốt.

Ví dụ: bán nhà để chia tài sản; bán nhà để di dời qua một tiểu bang khác; hoặc bán nhà vì không có khả năng trả nợ vay; vv…

Khi bạn hiểu được những lý do này, bạn có thể cân đối với tình hình tài chính cá nhân để có thể đưa ra offer phù hợp. Ví dụ nếu người bán muốn giải quyết việc chia tài sản nhanh chóng, thì offer của bạn sẽ là thanh toán trong thời gian ngắn. Còn nếu chủ nhà bán để đổi sang một căn nhỏ hơn, họ có thể cần phải có thời gian để tìm một chỗ khác phù hợp hơn, và bạn có thể offer thời gian thanh toán dài/linh hoạt cho việc giao nhà.

3. Các điều kiện trong hợp đồng

Một trong những điểm khác biệt lớn giữa đấu giá và mua bán riêng (private sale) là người mua có thể bao gồm một loạt các điều kiện, ví dụ như: “việc thanh toán phụ thuộc vào việc kiểm tra chất lượng công trình và kiểm tra mối mọt” (subject to building and pest inspection), hoặc điều khoản “phụ thuộc vào tình hình tài chính” (subject to finance).

Tất nhiên, đối với người bán, khi bạn càng ít điều kiện đi kèm thì offer đó càng hấp dẫn. Không ai muốn bán cho một người kèm quá nhiều điều kiện, và khi một trong những điều kiện đó không xảy ra thì lại chậm trễ việc mua bán và họ phải “bán lại từ đầu”, vì thế, bạn nên cân nhắc nếu offer của bạn đang kèm theo quá nhiều điều kiện. Tuy nhiên, nếu chủ nhà đồng ý với mức giá bạn đưa ra, việc kèm theo những điều kiện mà bạn cho là quan trọng vẫn sẽ không thành vấn đề với chủ nhà, vì điều họ quan tâm nhất vẫn là mức giá được đề nghị.

4. Phải luôn đưa ra offer bằng văn bản

Khi bạn muốn đưa ra offer, bạn hãy lưu ý rằng, phải đưa ra dưới hình thức văn bản rõ ràng gửi đến cho người bán. Trên thực tế, người bán không có nghĩa vụ và cũng không quan tâm đến một offer bằng miệng. Việc đưa ra offer bằng văn bản còn thể hiện sự cam kết của bạn với việc mua bán.

Thêm vào đó, khi đưa ra offer, bạn không nên đưa ra một con số quá chẵn và tròn trịa, thay vào đó hãy ghi vào đó một số lẻ. Ví dụ: thay vì đưa ra offer $700,000.00 cho căn nhà, bạn nên viết xuống là $695,500.00. (theo Forbes)

5. Pre-approval

Trong bài viết trước về Thư chấp nhận cho vay từ ngân hàng (pre-approval) Trusted Finance luôn chú ý nhấn mạnh tầm quan trọng của tờ thư này, đặc biệt là trước khi bạn đi mua nhà.

Pre-approval không những cho bạn thấy bức tranh tài chính của mình rõ ràng, mà còn là bằng chứng cho thấy bạn thực sự nghiêm túc và sẵn sàng để mua nhà. Đây cũng là yếu tố giúp bạn hoàn thành giao dịch nhanh. Thêm vào đó, với pre-approval, người bán sẽ tin tưởng vào đề nghị của bạn hơn, nhất là khi có nhiều offers tương tự.

6. Có nhiều BĐS ưa thích cùng một lúc (bạn không trả giá tất cả các BĐS tại cùng một thời điểm)

Vì việc đưa ra offer không phải lúc nào cũng sẽ thành công, nên tốt nhất, bạn cần chuẩn bị tinh thần cho mình về việc bị từ chối. Ngoài ra, khi bạn có hơn 1 căn nhà ưa thích, bạn có thể trình bày với agent bán nhà bằng cách gửi thông tin về những căn nhà đó cho agent. Việc này sẽ cho agent thấy rằng nếu offer bị từ chối, bạn có thể sẽ không đưa ra mức giá cao hơn và khả năng họ cũng có thể mất đi khách hàng nếu căn nhà đó thuộc phạm vi giao dịch của agent khác.

Nói tóm lại, việc mua được một căn nhà ưng ý phù hợp với tình hình tài chính sẽ có thể đòi hỏi nhiều công sức và thời gian đầu tư nghiên cứu. Trusted Finance mong rằng có thể cùng đồng hành trên con đường tìm kiếm và đưa ra mức trả giá hợp lý, thành công của bạn.

Disclaimer: Bài viết này mang tính chất tham khảo chung. Trusted Finance không chịu trách nhiệm cho những hậu quả có thể xảy ra khi áp dụng những thông tin kiến thức trên mà chưa thông việc tư vấn với các chuyên gia trong ngành.

Các bài viết khác trong loại bài "Mua nhà ở Úc như thế nào"
  1. Cách tính toán khả năng vay (serviceability)
  2. Làm thế nào để tăng khả năng vay
  3. Những lưu ý khi mua căn nhà đầu tiên
  4. Quy trình mua nhà tại Úc
  5. Tầm quan trọng của “Thư chấp nhận cho vay từ ngân hàng (Pre-approval)”
  6. Qui trình mua nhà tại Úc cho người nước ngoài
  7. Vay tiền mua nhà: Những câu hỏi thường gặp
  8. Nhà ở: nên mua hay thuê?
  9. LMI: Bảo hiểm cho người cho vay
  10. "Equity" là gì? Làm sao để tối ưu hóa "Equity"?
  11. Genuine savings là gì?
  12. Làm lại tài chính: Nên hay không nên?
  13. Tối ưu hóa thuế từ nhà cho thuê (Tax Depreciation Schedule)
  14. Những hạng mục thuế có thể khai khi bạn sở hữu nhà
  15. Làm thế nào để “trả giá” hiệu quả khi đi mua nhà?
  16. “SUBJECT TO FINANCE” LÀ GÌ?
  17. Tìm hiểu về các loại lãi suất tại Úc (phần 1)