Social Work in the Healthcare (Hospital) Setting (Công tác Xã Hội trong bệnh viện).
Một chút update về mình so với năm ngoái, sau mấy tháng vật vã xin việc và rớt phỏng vấn nhiều nơi thì mình đã được nhận vào một bệnh viện công trực thuộc NSW Health, ở regional NSW. Mình làm Social Worker Level 1/2 ở Rehabilitation Unit, từ tháng 6.2019 tới bây giờ. Nhờ có công việc đúng ngành nên mình đã đúc kết thêm được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, và mình xin mạn phép chia sẻ với mọi người sau đây.
1. Công việc của mình là gì?
Mình làm ở rehabilitation unit- khoa phục hồi chức năng. Bệnh nhân của khoa mình đa số là người cao niên (65 tuổi trở lên) hoặc một vài người trẻ hơn, nhưng không nhiều. Bệnh nhân được chuyển từ các khoa khác (ED- khoa cấp cứu, ICU- hồi sức tích cực, Surgical- khoa phẫu thuật, Medical- khoa y khoa) hay các bệnh viện khác, vì bị té, đột quỵ/ tai biến (stroke), chấn thương sọ não, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, phẫu thuật thay hông/ đầu gối, suy giảm chức năng cơ thể hoặc khả năng di chuyển (reduced functions/ mobility)…
Mình làm trong 1 multi-disciplinary team (Đội đa ngành), khoa mình có 2 bác sĩ chính (admitting medical officer- AMO), 1 bác sĩ thực tập (junior medical officer- JMO), 1 y tá trưởng khoa (Nurse Unit Manager- NUM), 1 nhà vật lý trị liệu (physiotherapist- PT), 1 nhà trị liệu nghề nghiệp (occupational therapist- OT) và mình- chuyên viên xã hội (social worker). Ngoài ra tất nhiên là phải có y tá, trợ lý cán bộ y tế (Allied Health Assistant- AHA), nhà trị liệu ngữ âm (speech pathologist- không cố định), chuyên gia dinh dưỡng (dietitian- không cố định). Không cố định nghĩa là họ không nằm vùng ở khoa mà chỉ đến khi có referral.
Khác với hospital social workers ở nhiều khoa/ bệnh viện khác, mình không cần lệnh giới thiệu (referral) để gặp bệnh nhân, mà trực tiếp gặp gần như mọi bệnh nhân chuyển đến khoa. Mình sẽ hỏi han về cuộc sống của họ, gia đình, công việc, có ai hỗ trợ không, các dịch vụ chăm sóc tại nhà (Home Care Package, NDIS, Commonwealth Home Support Program, …). Mình có thể phỏng vấn gia đình của bệnh nhân, nếu họ không khỏe (unwell), bị mê sảng (delirium/ confused), bị lẫn (dementia), để biết nhiều hơn về bệnh nhân hay những mối quan ngại từ gia đình, người chăm sóc (carer) về tình trạng sức khỏe (hay bị té- fall risk, sức khỏe yếu dần- deteriorating health, suy giảm trí nhớ- memory loss) hoặc hoàn cảnh xã hội của bệnh nhân (người già neo đơn, người thân bị bệnh, người chăm sóc bị stress- carer stress), … Mình còn động viên, hỗ trợ tinh thần bệnh nhân hoặc người nhà, khi họ lo lắng, bất an, sau khi nghe chẩn đoán (ung thư hay bệnh giai đoạn cuối), hỗ trợ họ làm quen với hoàn cảnh mới (adjustment), lắng nghe để biết những băn khoăn, trăn trở của họ và truyền đạt lại với Đội ngũ y tế.
Mình còn hỗ trợ bệnh nhân mình xin nhà Chính phủ (Public Housing), nộp đơn xin tiền Centrelink, làm đơn yêu cầu bồi thường bảo hiểm tai nạn (CTP), bảo hiểm lao động (Work Comp), bảo hiểm thương tật suốt đời (iCare Lifetime Support), hỗ trợ bệnh nhân đăng ký dịch vụ chăm sóc tại nhà (home care), hỗ trợ gia đình làm thủ tục vào viện dưỡng lão. Mình còn nộp đơn Quyền giám hộ/ quản lý tài chính (Guardianship/ Financial Management) cho Tòa án Dân sự và Hành chính NSW (NCAT) cho những bệnh nhân bị chẩn đoán mất khả năng quyết định (capacity) và quản lý tài chính.
2. Những khó khăn/ thách thức khi làm nghề là gì?
a. Áp lực:
Cái này thì ngành nào cũng có rồi. Áp lực từ bệnh viện, khi ở trên yêu cầu khoa phải cho bệnh nhân xuất viện (discharge), khi các khoa tầng trên hết giường, áp lực từ bệnh nhân/ gia đình, khi họ bị stress và lo lắng về bệnh tình của (người thân) họ, khi họ muốn ra viện nhanh chóng, hoặc khi họ không có ai chăm sóc ở nhà nên muốn “nán lại” bệnh viện hơi lâu. Áp lực cũng từ sự khác biệt quan điểm giữa người nhà bệnh nhân và bệnh nhân và đội ngũ y tế, và giữa những chuyên viên trong Đội. Khó nhất là thuyết phục bệnh nhân vào viện dưỡng lão, khi bệnh nhân đã quá yếu và người nhà không có/ còn khả năng chăm sóc nhưng bệnh nhân vẫn cương quyết muốn về nhà.
b. Tâm trạng:
Mình tiếp xúc với người bệnh mỗi ngày, mà đã có bệnh thì mấy ai vui? Vì vậy mà mình cũng bị ảnh hưởng bởi những lo lắng, căng thẳng, đau buồn (grief and loss) của bệnh nhân và người nhà. Lâu lâu thì nghe tin bệnh nhân mất (từ người thân hay từ một nhân viên khoa khác), hay có bệnh nhân mất trong khoa mình, tâm trạng cũng bị chùng xuống.
c. Bệnh nhân/ người nhà “phức tạp” (complex patients/ families):
Mình không biết dịch thế nào nên dùng tạm chữ này. Nhiều bệnh nhân/ gia đình bị stress nặng nên đôi khi một số người có lời nói, hành vi không đúng mực với đội ngũ y tế, hay phàn nàn về cung cách phục vụ của bệnh viện. Điều này cũng khó tránh khỏi. Đôi khi người nhà bệnh nhân chửi rủa mình và bệnh viện vì một chẩn đoán của bệnh nhân (bị mù, bị bệnh nan y) vì họ chưa thể chấp nhận sự thật.
d. Hoàn cảnh neo đơn:
Có một số bệnh nhân không có ai hỗ trợ họ đối với những công việc tưởng chừng như đơn giản nhất (giặt quần áo, lấy thư, chăm sóc thú cưng, rút tiền từ ngân hàng, trả bill, …) nên đôi khi mình nhận những cái referral rất là “trời ơi” mà không phải công việc của mình.
e. Thiếu người làm (understaff):
Mình làm ở hospital ward nhưng dưới sự quản lý của Social Work Department, bao phủ nguyên cái hospital và cả community. Mình làm ở vùng regional nên Social Work team rất nhỏ, thường ít hơn 5 người, lâu lâu có người resign, lâu lâu phải gánh việc của khoa khác nếu có social worker nghỉ. Đôi khi cảm giác như đang làm ở start-up khi người thì ít mà chia việc thì tùm lum.
Đây là chia sẻ cực kỳ thẳng và thật của mình, mong giúp các bạn đang muốn tìm hiểu về Social work có thêm kinh nghiệm trong việc định hướng ngành nghề của mình.
Nguồn: Thao Nguyen.