Tasmania dưới lăng kính dân nhập cư.

  • Post by admin
  • Oct 16, 2020
post-thumb

Trong vài năm trở lại đây, Tasmania nổi lên như một địa điểm “hot” cho việc định cư, một hướng đi mới cho những ai luẩn quẩn ở Melbourne / Sydney. Vậy thực sự, sống ở Tasmania có “đáng” hay không? Và bạn cần chuẩn bị gì khi về Tasmania?

1/ Đáng - Vì Lợi Thế Định Cư & Tương Lai

- Chính xác nhé! So với tình hình “lạm phát điểm” ở những thành phố lớn, thì “chịu khó vài năm” ở Tas đang là khoảng đầu tư nhiều người nhắm tới (dù cho phần lớn sau đó cũng ở lại và lập nghiệp ở Tas luôn).

- Ở Tas, bạn được nhận vào là “regional area” nên vừa được cộng 5 điểm và xin 485 còn được hơn hẳn 1 năm (Launceston).

- Ở Tas, bạn ít cạnh tranh về điểm, vì cả 190 hay 491 đều tập trung nhiều hơn vào commitment của bạn hơn là điểm.

- Ở Tas, bạn có thể an tâm vấn đề việc làm nếu học các ngành liên quan đến xây dựng, sức khoẻ và giáo dục (tất nhiên là vẫn cần cố gắng chứ không có “chờ sung rụng” được nha)

- Ở Tas, bạn canh tranh với số người dành giựt PR ít hơn. Số du học sinh (DHS) ở Tas so với Victoria, NSW hoặc các bang khác là ít hơn rất nhiều, nên cơ hội cạnh tranh cũng cao hơn.

- Ở Tas, nếu bạn có ý tưởng kinh doanh, mình nghĩ bạn có thể thực hiện hoá ước mơ đó, vì tỉ lệ cạnh tranh còn thấp hơn và chi phí để mở ra một business có thể tương đối hơn các bang lớn khác. Mình quen rất nhiều DHS cũng đã làm chủ cả các shop và dịch vụ cả, nên mình tin chắc, sự phát triển về kinh tế ở Tas sẽ còn tiếp tục tăng, nếu Tas vẫn duy trì là nơi đáng đầu tư cho PR.

2/ Đáng - Vì Nhịp Sống Thanh Bình

- Ở Tas, bạn sẽ không thấy được sự nhộn nhịp, xô bồ tất bật của các thành phố như Brisbane, Melbourne hay Sydney. Mà thay vào đó là sự chậm rãi, nhịp sống thanh thản. Vì sao ư? Vì bang Tasmania được Úc ví von như “nhà dưỡng lão quốc gia” với phần lớn dân số là người về hưu.

- Ở Tas, bạn sẽ không thấy Shopping centers tấp nập vào Chủ nhật như ở Highpoint, Chadstone ở Melbourne, mà là cái “vắng như chùa bà đanh”. Thay vào đó, mọi người đổ xô nhau đi ra biển, ra công viên, câu cá, leo núi, đi tracking, hiking.

- Ở Tas, mình không cần biết bạn xuất thân ngành gì, ai rồi cũng sẽ trở thành những người “nông dân chân chính”. Nhà ai cũng trồng rau răm, rau thơm và đủ loại rau Việt Nam bạn thèm.

- Ở Tas, thú vui điền viên là đi “câu cá” và hiking. Ai ở Tas mà chưa một lần đi “câu cá nục”, “câu mực, hoặc chưa từng hiking lên Coles Bay thì quả đúng chưa phải là dân “Tas” chính hiệu rồi.

- Ở Tas, bạn sẽ không thấy những giờ kẹt xe hãi hùng như trên Monash Freeway mỗi sáng, vì có kẹt ở đây bạn vẫn nhích đi được và thường rất ít kẹt. Những năm đầu mình xuống, còn chưa biết kẹt xe là gì.

3/ Đáng - Vì Cảnh Vật Hữu Tình

- Ở Tas, bạn sẽ được thưởng thức một món “Cầu Vồng”. Đây là thứ mà người Tas coi là “hiển nhiên” vì bạn thấy quài, thấy quài luôn.

- Ở Tas, bạn sẽ được thưởng thức những thứ FRESH và NGON nhất quả đất mình từng được thử. Ai ở Tas chưa từng lặn lội qua Bruny Island để Hàu ngon nhất Úc ở Get Shucked, ai chưa từng một lần câu một con mực từ Apollo Bay rồi quăng lên BBQ hoặc đem hấp gừng hành thì quả thật là uổng phí. Hơn nữa, Ross Town ở Tas có bánh cheese ngon nhất thế giới. (Đã ăn và đã kiểm chứng - NGON!!!! )

- Ở Tas, bạn sẽ được thấy những điều mà đời người chỉ mong gặp một lần: Tuyết rơi ở Cradle Mountain / Mt. Wellington, Tảo Phát Sáng, v.v… và v.v…

Nãy giờ đọc tới đây chắc ai cũng thấy TAS quá tuyệt vời, giờ mới tới khoảng “thực tế” nè.

4/ Chưa Đáng - Tình hình “Ế” việc

- Ở Tas, khác hẳn với các thành phố lớn, nơi bạn chỉ sợ không có sức làm, thì cả Hobart và Launceston đều đang đối mặt với vấn đề “thất nghiệp”.

- Điều này cũng dễ hiểu vì lượng cơ sở kinh doanh ở Tas so với các nơi khác là thua rất nhiều. Chủ không có thì làm sao có nhân viên. Nên có nhiều bạn quyết định “Tự tạo công việc” còn hơn là đi kiếm việc.

- Những công việc part-time bạn hy vọng có thể kiếm được như làm nails, làm nhà hàng (có nhà hàng mở từ sáng tới chiều, có nhiều chỗ chỉ mở 12-2pm, 6-8pm nên cũng khá ít giờ), làm handyman (phụ xây dựng, cắt cỏ, etc.).

- Những công việc có nhiều hơn xíu nhưng hơi khó xin hơn là Aged Care (cần học Cert Aged Care), hoặc làm Childcare (tương tự, cần kinh nghiệm hoặc bằng cấp), làm cho Siêu Thị hoặc các Franchise lớn (Cần có mối quan hệ hoặc profile tốt).

- Lời khuyên 1 : Các bạn nên thủ sẵn một nghề trong tay trước khi xuống Tas, nhất là những công việc như cắt tóc, pha cà phê, làm nails, hoặc làm tường, lót gạch,… chứ đừng đợi qua đây đi lang thang kiếm việc mà không có tí kinh nghiệm hay tay nghề.

- Lời khuyên 2: Nên chuẩn bị tài chính sẵn sàng không có việc trong 3 tháng (hoặc 6 tháng nếu bạn xuống ngay mùa thu/đông)

- Lời khuyên 3: Nên mở rộng mối quan hệ, Tas vẫn là một bang bé tẹo, nên họ vẫn ưu tiên Walk-ins (đi tận nơi xin việc) hoặc qua network (mối quan hệ).

5/ Chưa Đáng - Tình hình “Ế” nhà

- Ở Tas, thuê phòng thì chắc cũng lai rai. Nhưng mà thuê nhà ở TAS nguyên căn qua agent thì muôn vàn khó khăn. Dưới này mình cạnh tranh trực tiếp với cả dân Locals rất nhiều.

- Chi phí thuê phòng/nhà ở Tas tương đối ngang hoặc cao hơn các bang khác từ 10~30%. Các bạn từ Việt Nam qua thẳng sẽ không bị shock, nhưng từ các nơi khác xuống sẽ hơi “choáng” thời gian đầu.

- Lời khuyên: Hãy chuẩn bị bộ hồ sơ thuê nhà thật tốt, viết sẵn chuẩn bị sẵn hết thành bộ hồ sơ (theo lời khuyên của chị Đăng Hân), và offer trả trước 1-3 tháng nếu khả năng cho phép, lấy thật nhiều referral và có sẵn EOI (Expression of Interest) khi đi thuê.

- Nhà ở Tas muốn gần trường UTAS thì giá sẽ cao hơn (tầm 600~1000/tuần đều có) , còn xa hơn xí tầm 15~30’ thì dễ thở hơn (500~800/tuần đều có). Nói xa thôi, chứ ở Tas chạy xíu là tới, nên đừng ngại vấn đề này.

6/ Chưa Đáng - Vì “Chi Phí Sống” đắt đỏ.

- Nói đơn giản để so sánh nè, tô phở ở Mel/Syd tầm $10~$12 thì dưới này tầm $14~20 đều có, hoặc bánh mì giá ở chỗ khác tầm $5~6 là có thì ở đây phải $8.50 (mà nhiều người gọi là cú sốc bánh mì).

- Nhìn chung giá ở Tas cao hơn các bang khác nhé! Giá xăng cũng lúc nào cũng tầm $1.30 ~ $1.60 (trong cùng lúc ở Mel có thể $1~$1.3) . Giá nhà cao hơn như đã nói ở trên

- Giá TIỀN HỌC : Ở TAS có mỗi một trường và nó độc quyền luôn nên học phí không rẻ xíu nào nhé, tầm $25k~$40k/năm . Mà muốn học đại học thì không có lựa chọn khác. Còn các trường nhỏ chỉ dạy dip thì học phí $6~10k/năm cũng có, mà dạy dip 1 - 2 năm thôi đó nha, phải có 485 mới được học. Còn không thì học nghề Floor and Wall Tiling chẳng hạn thì ra trường vừa có nghề vừa có việc.

- Giá nhà như đã nói ở trên mắc hơn nhé. Mà tiền điện nước ga dưới này cũng không có giảm giá hay cạnh tranh, nên cũng khá đắt luôn. Mà lạnh thì hay dùng sưởi, nấu thì nấu bếp điện, mỗi lần nhìn bill là muốn xỉu.

7/ Chưa Đáng - Vì “Giao thông công cộng”.

- Ở Tas, bạn đừng mơ về Xe lửa (train) hay xe điện (tram) - chỉ có “BUS” thôi nha! Chắc chắn là đứng đợi từ 10~20’/chuyến. Cuối tuần cũng phải đợi 40’ có khi ấy!

- Ở Tas, BẠN HÃY BIẾT LÁI XE. Đi làm đi học đi đâu cũng tiện. Còn không thì cứ “căng hải” mà chạy.

- Với địa thế đồi núi thì mình chưa nhìn ra năm nào thì Tas sẽ mở xe lửa hoặc xe điện cho chúng ta đâu.

8/ Chưa Đáng - Vì “Buồn”.

- Ở Tas, 10 người thì hết 5 người than ở TAS quá buồn. Đúng vậy các bạn ạ, ít nơi tụ tập, ít quan bar club, ít khu người Việt, ít các chỗ cà phê sống ảo là cái mà nhiều người sẽ phải trải qua.

- Ở Tas, 7h ra đường là vắng tanh rồi, không phải như Việt Nam đông đúc muốn đi đâu thì đi nha, làm gì có chỗ nào mở. Nhiều khi phải tự book nguyên quán cà phê rủ bạn bè đến chém gió

- Ở Tas, nếu bạn là người không mê cảnh vật hữu tình, hoặc không thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên, thì có lẽ là cuộc sống sẽ hơi buồn trong mắt bạn ấy. Hãy đến và cảm nhận thử nhé.

- Ở Tas, đồ Việt không nhiều, nhất là các món ăn vặt, nên nhiều người sẽ chịu không nổi. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều nhà hàng đã làm bớt đi nổi nhớ với các món truyền thống Bún bò, Phở, Bánh Mì, Hủ Tiếu, Bún Riêu,v.v… (thiếu bún đậu mắm tôm, bún chả Hà Nội,…)

Trên đây là những cảm nhận rất riêng của một du học sinh -dân nhập cư sau hơn vài năm sống ở Tasmania từ A-Z, để mọi người có cái nhìn rõ hơn, thực tế hơn về cuộc sống ở đây.

Nguồn: Thầy Tờ Magic.